Sau gần 2 năm nổi lên như một hiện tượng, cơn sốt du lịch Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vẫn chưa hạ nhiệt.  Tuy nhiên, thực tế ở Điệp Sơn không chỉ lung linh như trên mạng xã hội.
Trở lại Điệp Sơn lần này, chúng tôi không phải lênh đênh trên những chiếc ghe đánh cá của ngư dân như trước đây. Từ khu vực cảng cá thị trấn Vạn Giã, chúng tôi được mời chào lên những chiếc ca nô đi đến đảo Điệp Sơn với mức giá 200.000 đồng/người cho cả lượt đi và về. Vì thế, chỉ cần khoảng 15 phút đi trên biển là chúng tôi đã có mặt tại đảo Điệp Sơn.

Diện mạo làng đảo Điệp Sơn hiện nay ít nhiều đã có sự thay đổi. Vấn đề rác thải vệ sinh môi trường đã được quan tâm hơn, các công trình điện, nước sinh hoạt đã có sự đầu tư của một số tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt nhất chủ yếu ở khu vực gần con đường đi bộ dưới biển. Nơi đây đã xuất hiện dãy nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Sát cạnh đó, những chiếc chòi cao được sử dụng cho du khách ngủ lại qua đêm. Để những chiếc ca nô có thể cập vào cho khách lên bờ dễ dàng, một chiếc cầu phao có chiều dài khoảng 30m được ghép từ phuy nhựa và những thanh gỗ. Ngoài ra, còn có mô tô nước, thuyền kayak để du khách vui chơi giải trí. Về cảnh quan, vẻ đẹp độc đáo duy nhất của Điệp Sơn vẫn chỉ là con đường đi bộ dưới biển từ đảo Điệp Sơn qua đảo Hòn Ó.

“Trên mạng xã hội, tôi nghe người ta ca ngợi nhiều về vẻ đẹp của đảo Điệp Sơn. Nhưng khi đến đây mới biết không như những gì người ta tô vẽ. Ngoài con đường đi bộ dưới biển, chúng tôi chỉ biết chụp mấy tấm hình phong cảnh rồi về chứ không có hoạt động gì hơn”, chị Huỳnh Thanh Nam – du khách đến từ Tây Ninh cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Mẫn – Trưởng thôn Điệp Sơn cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 – 600 lượt khách tới Điệp Sơn. Vào những dịp cuối tuần, ngày lễ con số này lên đến cả nghìn người. Người dân Điệp Sơn chủ yếu thu nhập từ nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Có khách du lịch đến thì một số hộ bán cá, mực cho khách, một số khác thì nấu ăn và cho khách thuê nhà ngủ qua đêm. Nhìn chung, người dân trên đảo cũng có thu nhập thêm chứ chưa thể nói giàu lên nhờ khách du lịch.

Theo ông Mẫn, hoạt động du lịch ở Điệp Sơn chỉ mang tính chất tự phát cả về nguồn khách cũng như nhân lực tham gia phục vụ. Mong muốn của người dân là được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mở những lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để việc phục vụ khách được chu đáo, an toàn hơn.

 

Con đường đi bộ dưới biển ở Điệp Sơn
Con đường đi bộ dưới biển ở Điệp Sơn

 

Ông Nguyễn Thanh Nam – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, thời gian qua, các ngành và địa phương đã có những giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cho Điệp Sơn có thể phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, rác sinh hoạt đã bố trí người thu gom hàng ngày, cứ 2 ngày thì đưa về bãi tập kết để xử lý. Ở khu vực gần đường đi bộ dưới biển, hàng ngày Công ty Sơn Nam cũng thực hiện việc vận chuyển rác về đất liền. Ở một số điểm thường có đông du khách, cũng như trong làng đã thực hiện việc lắp đặt các bảng nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. “Nhìn chung, tình hình ở Điệp Sơn đã dần đi vào ổn định. Hoạt động du lịch bước đầu đã tạo thu nhập và việc làm cho một số người dân trong thôn. Một tác động khác chính là việc người dân được tiếp xúc nhiều với du khách nên ý thức, tác phong cũng được nâng lên. An ninh trật tự được đảm bảo, trên đảo chưa để xảy ra vụ việc nào nổi cộm về an ninh trật tự. Nước sinh hoạt, điện cũng được các hộ và một số tổ chức đầu tư nên dù lượng khách đông vẫn đảm bảo”, ông Nam cho biết.

Có thể thấy, với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, nên những bất cập liên quan đến hoạt động du lịch tự phát ở đảo Điệp Sơn đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, để hòn đảo này có thể phát triển du lịch một cách bền vững, người dân đảo được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động du lịch thì địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn.

Nhân Tâm

Nguồn Báo Khánh Hòa Online