Ngày 3.6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, “Tri thức khai thác và chế biến Trầm Hương Khánh Hòa” chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian.

Trước đó một ngày, Lễ hội Yến Sào Khánh Hòa cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc liên tiếp công nhận hai di sản đặc trưng của Khánh Hòa không chỉ khẳng định giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những tri thức gắn liền với đời sống, sinh kế và bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Từ trước thế kỷ XVII, cư dân Khánh Hòa đã khai thác yến sào trong các hang động trên các đảo ven biển. Khi ấy, những nghi lễ tín ngưỡng sơ khai đã xuất hiện để cầu mong thần linh phù hộ cho người đi lấy tổ yến.

Đến thế kỷ XVII – XIX, nghề yến sào được triều đình nhà Nguyễn quan tâm quản lý. Nghi thức cúng tổ nghề cùng thần linh trở thành truyền thống, các miếu thờ tổ nghề yến sào bắt đầu được xây dựng trên các đảo yến và đất liền ở Nha Trang.
Từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1975, Lễ hội Yến Sào đã hình thành như một phong tục truyền thống gắn liền với cộng đồng làm nghề yến tại Khánh Hòa. Các nghi thức tế lễ ngày càng phong phú với Lễ tế tổ nghề, Lễ cúng thần linh bảo hộ và cầu cho mùa khai thác thuận lợi. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức nghề yến đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lễ hội.
Lễ hội này có nguồn gốc từ tín ngưỡng cộng đồng các phường Vĩnh Nguyên, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Phước Long, Phương Sơn, Phương Sài và các xã Phước Đồng, Vĩnh Lương – TP Nha Trang, và đến nay đã trở thành một lễ hội văn hóa quan trọng của tỉnh.
Cuối năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công nhận Tri thức khai thác và chế biến Yến Sào Khánh Hòa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.