Trầm Hương Khánh Hòa những điều nên biết! Khi nào thì ta thèm một chút khói trầm? Câu hỏi ấy lại chợt hiện ra vào một ngày đi dạo trên bờ biển Nha Trang. Bởi như thấy giữa ồn ã sóng biển và chen chúc người xung quanh, mình cứ như bị lạc ra. Truyền thuyết về nữ thần Thiên Y A Na nghe được ở Tháp bà hôm qua lại trở về ám ảnh. Ở đâu trong những ngọn sóng dưới kia, là khúc gỗ mà nữ thần hóa thân tỏa mùi thơm ngào ngạt?

1. Đêm cuối năm, tôi ngồi ở một góc quán trên tầng cao nhìn ra Hồ Gươm, lãng đãng sương lạnh, chợt thèm một chút khói trầm hương bay lên, thật nhẹ! Vì cô đơn ư? Không phải. Yêu thương đang kề cận đấy thôi! Vậy thì vì gì mà mình lại thèm một làn khói, ngay cả trong lúc trái tim đang dâng lên, ứ nghẹn, một trạng thái như là yêu. Lời yêu mỏng mảnh như màu khói… Là nữ sĩ Xuân Quỳnh đấy. Còn đây là Nguyễn Duy: Tình yêu theo sợi khói đi vòng… Ô hay, đích thị là yêu đấy, cái cảm giác thèm chút khói là lúc trái tim đã nói lời yêu rồi. Không biết cái sợi khói tình yêu của các nhà thơ là khói gì, có thể là chút khói thuốc, có thể chút khói lam chiều, nhưng đêm sương lạnh bên Hồ Gươm này mình chỉ nghĩ đến khói trầm hương, phải là trầm, mới đủ bay, đủ nhẹ, đủ thơm…
Lại nhớ hôm nào đấy ngoài bãi Phúc Xá sông Hồng, lâu lắm, xa lắm, trên cái sập đen bóng, nữ sĩ Ngân Giang tóc bạc trắng, 90 tuổi vẫn trang điểm cầu kỳ tinh tế, ngồi đọc thơ, bên cạnh là cái lư đốt trầm. Những câu thơ bàng bạc và đầy hoài niệm.
2. Khi nào thì ta thèm một chút khói trầm? Câu hỏi ấy lại chợt hiện ra vào một ngày đi dạo trên bờ biển Nha Trang. Bởi như thấy giữa ồn ã sóng biển và chen chúc người xung quanh, mình cứ như bị lạc ra. Truyền thuyết về nữ thần Thiên Y A Na nghe được ở Tháp bà hôm qua lại trở về ám ảnh. Ở đâu trong những ngọn sóng dưới kia, là khúc gỗ mà nữ thần hóa thân tỏa mùi thơm ngào ngạt?
Ở mảnh đất xứ xở của Trầm Hương này văn hóa đang được bồi đắp, mỗi ngày một dày mãi thêm lên, khi mà như từ trong truyền thuyết, khói trầm như thực như mơ đã trở thành một sản phẩm độc đáo theo chân du khách.
Chắc không phải ngẫu nhiên, thần mẫu Pô Inư Nagar như cách gọi của người Chăm hay Thiên Y Thánh Mẫu Thiên Y A Na theo tên gọi của người Việt lại chọn cây trầm hương để hóa thân, thần nhập vào cây trầm rồi lại từ cây trầm hiện thân ra. Ở Khánh Hòa ngày nay còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về Bà, về những cây trầm trấn giữ 4 phương, về những cánh rừng của Bà, ngọn núi của Bà… Nhưng nói gì thì nói những câu chuyện ấy cũng chỉ để kể về một việc thôi: Thiên Y A Na không chỉ là thần Mẫu tạo lập ra xứ sở và vạn vật mà còn là thần Mẹ của cây trầm hương. Có những bài cúng về nữ thần thế này: Thần Inư Nưgar sinh ra đất, gỗ trầm, lúa gạo. Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Yan Inư Nưgar mà phát hương thơm toả ra. Không gian bao quanh, từ Yan Inư Nagar, nức hương thơm của lúa…
Truyền thuyết được người dân địa phương kể từ đời này sang đời khác, để thành kính tin rằng vì trầm hương là của Bà Thiên Y A Na, nên Bà cho ai thì người ấy được. Người đi tìm trầm, trước khi vào rừng đều phải đến miếu cầu khấn để xin Bà ban phước.
Vậy là, ngay từ trong tiềm thức xa xưa, bà mẹ sáng tạo đã mang một vẻ đẹp, tình yêu và sức mạnh vô tận. Và thơm như hương lúa, hương trầm…
3. Sự sáng tạo, cho dù là mang màu sắc thần linh, cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Những giá trị lớn trên đời đều phải trải qua đau đớn mà thành. Như trầm hương ấy, dù trong truyền thuyết là do nữ thần sinh ra thì để có làn hương mỏng mảnh ấy bay lên, là cả một hành trình dài dằng dặc mang nặng đẻ đau. Trầm hương là do cây dó sinh ra. Nhưng không phải cây dó nào cũng sinh ra trầm hương. Quan niệm dân gian vẫn cho rằng những thân cây, rễ cây bị thương tụ dầu chống lại thương tích thấm cùng hương trời mà biến thành trầm hương, thành kỳ nam…


Giá trị của trầm hương, nói thêm gì nữa cũng bằng thừa. Phải là một sản vật cao quý vào bậc nhất của xứ xở, tiềm thức dân gian mới để thần Mẫu của mình hóa thân vào đó. Hay đối với đạo Hindu cổ sự vươn lên để bảo vệ sự sống của Trầm Hương là biểu tượng của “sự hủy diệt và tái tạo”, không thể thiếu trong các nghi lễ long trọng của người theo Đạo Hindu. Trầm Hương và Kỳ Nam là báu vật của trời cho mà chỉ có ở phương Nam do đặc điểm địa lý và thổ nhưỡng nên phương Bắc không có được, nên thời xưa đã trở thành một vật phẩm để triều cống. Rồi từ rất nhiều sử liệu đều miêu tả chỉ nơi chốn cung vua phủ chúa mới được dùng trầm hương. Ở đời, cái gì hiếm thì đều quý. Tinh túy trời đất hàng trăm năm mới kiến tạo được trầm. Giá trị của trầm hình như không phải chỉ vì hiếm, nghĩa là nó khác với các loài gỗ quý hiếm khác bởi vì từ rất xa xưa, con người đã chỉ ra những giá trị của trầm đối với sức khỏe. Việc này, cũng chẳng nên nhắc lại, nếu đã đọc Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn…
4. Ngày nay, thưởng trầm đã là một nghệ thuật, tuy chưa phải rộng rãi, nhưng phổ biến hơn so với thời xưa – thời của những lư đốt trầm chỉ có trong cung vua phủ chúa, những nghi lễ xông hương trầm của các bậc quyền quý chỉ có trong thần thoại Hy Lạp và truyền thuyết Trung Hoa. Nhưng tính thanh cao của nghệ thuật thưởng trầm không vì thế mà vơi bớt. Trong Phật giáo từng có quan niệm rằng chỉ những ai thọ trì được Kinh Pháp Hoa mới có thể ngửi được mùi trầm. Nói thế để thấy không phải ở đâu, nơi nào khi đốt lên một thanh trầm ta cũng có thể cảm nhận đến tận cùng hương thơm và sự quyến rũ của nó.
Câu hỏi hôm nào ở bờ biển Nha Trang lại trở về: Khi nào ta thèm một chút khói trầm? Thì đấy, không phải lúc nào ta cũng cảm được trầm.
Nhưng còn một câu hỏi khác, khi đứng giữa xứ xở của Trầm Hương, cũng bật ra: Không còn nghi ngờ gì nữa, Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban cho Khánh Hòa một trong những loại lâm sản quý độc nhất vô nhị trên thế giới là trầm hương, kỳ nam; vưu vật ấy của tạo hóa đang giúp gì cho đất nước hôm nay trong công cuộc vẽ tên mình trên bản đồ thế giới?
Một giấc mơ khác cho Trầm Hương hình như đang được vẽ lên bởi một thế hệ doanh nhân mới say trầm, yêu trầm và đầy khát vọng mang Trầm Hương tỏa sáng. Từ con đường giao thương mang trầm hương buôn bán với người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Nhật Bản xưa kia đến hôm nay trầm hương đã mở rộng thị trường sang nhiều nước khác. Ngày nay từ trầm hương, từ kỳ nam đã được chế tạo thành nhiều sản phẩm khác nhau, từ các sản phẩm để đốt lên hương thơm đến đồ trang sức, đồ lưu niệm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, nước hoa…


5. Hương trầm đêm nay đã được đốt lên. Đêm nay, đêm giao thừa – thời khắc thiêng liêng chuyển giao cũ mới, trời đất giao hòa, âm dương hợp quyện, vạn vật bừng lên sức sống. Đốt lò hương ấy… Khói trầm bay lên, thật mỏng, thật nhẹ.
Đêm nay, dâng hương và tấm lòng thơm thảo nhất tới tổ tiên. Nghe trong gió mùi trầm hương rất nhẹ, mùi Tết, bỗng nhiên muốn khóc. Trầm tích thời gian, linh khí đất trời như đang tụ hết về đây. Người ở cõi thiêng hình như cũng về!
Ngọc Anh ( nguồn Đại Đoàn Kết )