Chiều 7-8, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị trực tuyến về Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Tổng Cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các Sở và Hiệp hội Du lịch của các địa phương, đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch… trên cả nước.
Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, khách du lịch lo lắng hủy tour rất nhiều. Tỷ lệ hủy phòng du lịch ở nhiều địa phương lên đến 98-100% ở các địa phương; hiện nay tình trạng khách hủy phòng vẫn tiếp tục. Cùng với việc hủy tour, đa phần khách muốn lấy lại tiền cọc trong khi các doanh nghiệp lữ hành đã bỏ ra nhiều chi phí để đặt cọc các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vé máy bay…
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các bên cùng ngồi lại với nhau, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc hoãn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng đồng hành với doanh nghiệp và khách du lịch; tìm các giải pháp ứng phó, phục hồi du lịch trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch phản ánh, hiện nay nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành đang cạn kiệt dần, chính vì vậy phải làm sao đảm bảo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp có thể tồn tại, bởi nếu một mắt xích nào gãy đỗ thì rất khó khăn để phục hồi du lịch. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành đề nghị Tổng Cục Du lịch nên có quy định, khung pháp lý để các doanh nghiệp có cơ sở ngồi lại với nhau để giải quyết việc hủy hợp đồng, nên xem xét dịch bệnh là tình huống bất khả kháng; cho phép doanh nghiệp lữ hành rút iền ký quỹ ở các ngân hàng để có thêm nguồn tài chính vượt qua khó khăn… Các doanh nghiệp du lịch đề xuất Chính phủ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ như: giảm 50% thuế VAT đến hết tháng 6 năm 2021, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2020; kéo dài chính sách giảm tiền điện, nước, viễn thông đến hết năm 2020; giảm lãi suất cho vay, giãn thời trả nợ, khoanh nợ, cho vay mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành kêu gọi các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, trong đó có việc xem xét cho doanh nghiệp lữ hành rút tiền cọc đặt vé máy bay để hoàn trả khách hàng. Đồng thời, ông Phương cho rằng các doanh nghiệp lữ hành phải có giải pháp để chuyển đổi tour đến thời gian phù hợp hạn chế thiệt hại; các địa phương và doanh nghiệp du lịch phải nghiên cứu có sản phẩm mới; tăng cường truyền thông về điểm đến an toàn, nhất là việc truyền thông bằng công nghệ số… Liên quan vấn đề trên, đại diện các hãng hàng không cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch như kéo dài thời gian sử dụng dịch vụ; miễn phí đổi vé…
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị, các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của nhà nước. Theo ông Bình, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cần hỗ trợ lẫn nhau, trong đó có việc tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quá khó khăn hỗ rút tiền cọc; truyền thông mạnh mẽ để những người đi du lịch chia sẻ với các doanh nghiệp du lịch, chưa đòi ngay tiền cọc với khách hàng; các doanh nghiệp lữ hành cần phải cam kết thời gian hoàn trả hoặc chuyển sang voucher để khách sử dụng về sau…
XUÂN THÀNH ( Baokhanhhoaonline)