Huyện Khánh Vĩnh cách TP. Nha Trang khoảng 30km về hướng tây, nằm giữa hai trung tâm du lịch lớn là Nha Trang và Đà Lạt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Địa phương đang cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa để sớm đánh thức vẻ đẹp còn hoang sơ…
Nhiều khu vực chưa được khai thác
Khánh Vĩnh có khoảng 70% dân số là người dân tộc thiểu số, với 15 dân tộc anh em. Đây là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến với các địa danh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Địa phương có mật độ sông suối cao hơn so với các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh; có đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ quanh năm.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Khánh Vĩnh, những yếu tố nêu trên là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có một số điểm du lịch gồm: Công viên du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú), Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm (xã Khánh Hiệp) thu hút được nhiều khách du lịch.
Ngoài ra, Khánh Vĩnh còn có điểm du lịch Suối Lách (xã Giang Ly) do người dân địa phương tự mở. Tại đây, khách du lịch được tổ chức ăn uống, thư giãn giữa thiên nhiên và tắm suối. Ông Mà Giá, chủ điểm du lịch Suối Lách chia sẻ: “Nhờ có suối, cây cối nhiều và không khí mát mẻ nên điểm du lịch của gia đình tôi cũng thu hút nhiều người yêu thiên nhiên tìm đến. Tuy nhiên, do đầu tư quy mô nhỏ nên chưa đóng góp được nhiều vào phát triển du lịch chung của địa phương”.
Theo ông Lê Văn Cường – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, hiện nay, Khánh Vĩnh vẫn còn những điểm có tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa thu hút được đầu tư lớn, như: Suối Đá Bàn (xã Khánh Phú); suối Mấu (xã Khánh Thượng); thác Ê Đu (xã Giang Ly); suối nước nóng ở xã Khánh Thành; thác Zi-ông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)… và một số dự án du lịch sinh thái vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục xin đầu tư. Việc khai thác du lịch trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Giao thông hạn chế, có những điểm du khách chỉ có thể đến bằng xe máy hoặc đi bộ; việc phá rừng để làm nương rẫy có thể đe dọa đến vẻ đẹp nguyên sinh của một số điểm có tiềm năng du lịch…
Đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư
Ông Cường cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện, việc tăng cường quảng bá, thu hút các nhà đầu tư là điều cần thiết. Trong những năm qua, huyện đã rất quan tâm, tạo điều kiện lồng ghép đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông liên xã. Đặc biệt, các dự án đầu tư đường vào khu sản xuất vừa tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần phục vụ cho khách du lịch.
Huyện Khánh Vĩnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa du lịch địa phương như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho du lịch phát triển; nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp để đầu tư xây dựng đường giao thông đến các điểm có tiềm năng du lịch. Đồng thời, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá về du lịch dịch vụ; thực hiện công tác thông tin xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện truyền thông trong tỉnh và cả nước; thực hiện các ấn phẩm giới thiệu về du lịch của huyện…
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư và khai thác các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số như: Nghệ thuật cồng chiêng, mã la, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm thủ công… để phục vụ và thu hút du khách. “Địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa về đầu tư phát triển du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa trên địa bàn huyện. Từ đó, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, để những tiềm năng du lịch của huyện sớm được hiện thực hóa” – ông Cường nói.
Nguồn: Báo Khánh Hòa