Để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh danh lam thắng cảnh, nét văn hóa đặc trưng, để níu chân du khách cần thêm yếu tố ẩm thực. Với lợi thế về nguồn thủy hải sản phong phú, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách khám phá, thưởng thức ẩm thực miền biển.

Khẳng định giá trị của ẩm thực Việt

Với một nền văn hóa đa dạng, Việt Nam có nhiều món ăn ngon mang tính đặc trưng của các vùng miền. Với sự hội nhập và giao lưu ngày càng rộng rãi, sự phát triển về du lịch, thế giới ngày càng biết nhiều hơn về sự độc đáo của ẩm thực Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã được nhiều giải thưởng du lịch về ẩm thực. Năm 2019, Việt Nam được Giải thưởng du lịch thế giới trao giải “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Đầu năm 2022, các chuyên gia ẩm thực của kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn 4 món ăn Việt ngon nhất thế giới và khuyến khích du khách nên thử, gồm: Bánh cam, bánh mì, bánh bột lọc, phở bò. Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng của Canada là The Travel công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5… Sự phát triển của du lịch không thể tách rời ẩm thực. Các giải thưởng về du lịch dành cho ẩm thực Việt Nam là sự khẳng định giá trị độc đáo của ẩm thực Việt, cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế. Ông Philp Kotler, một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã từng gợi ý: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”.

 

Đầu bếp nấu món bún cá được nhà báo Chris Dwyer giới thiệu trong bài viết trên báo South China Morning Post.

Đầu bếp nấu món bún cá được nhà báo Chris Dwyer giới thiệu trong bài viết trên báo South China Morning Post.

Rất nhiều khách quốc tế đến du lịch Việt Nam để khám phá văn hóa ẩm thực Việt sau khi chứng kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội năm 2016; Thủ tướng Canada Justin Trudeau thưởng thức cà phê sữa đá vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh năm 2017… Bên cạnh những món ăn “quốc dân” như: Phở, bún bò, bún chả…, báo chí quốc tế cũng chú ý nhiều hơn đến ẩm thực của các địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Năm 2018, tờ South China Morning Post (Hong Kong) đã đăng tải một bài viết dài về ẩm thực Nha Trang của nhà báo Chris Dwyer – cây viết chuyên về du lịch và ẩm thực người Anh. “Dù là món bánh xèo, bún cá, nem nướng hay món mì Quảng trứ danh… được bán ở trên đường phố, trong nhà hàng hiện đại hay khu nghỉ dưỡng cao cấp, thì Nha Trang đều có thứ gì đó có thể chiều lòng mọi người”, lời nhận định mở đầu bài viết của nhà báo Chris Dwyer thật sự còn hơn cả vạn lời quảng cáo.

 

Nem nướng  Ninh Hòa -  món ăn được nhiều du khách ưa thích.

Nem nướng Ninh Hòa – món ăn được nhiều du khách ưa thích.

Nâng tầm ẩm thực để thu hút du khách

Mới đây, trên chuyến bay đầu tiên từ Almaty (Kazakhstan) đến Cam Ranh, nhiều du khách Kazakhstan cho biết, họ chọn Nha Trang – Khánh Hòa làm điểm đến vì thời tiết và ẩm thực của xứ Trầm Hương. “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ du lịch Việt Nam trước khi đến đây. Tôi sẽ trải nghiệm các dịch vụ du lịch biển ở Nha Trang – Khánh Hòa, đặc biệt là ẩm thực. Tôi đã từng đến Thái Lan, bạn bè của tôi nói ẩm thực Việt Nam ngon hơn Thái Lan. Tôi nghĩ sẽ có kỳ nghỉ thú vị tại đây”, bà Atau Daiana – du khách Kazakhstan chia sẻ. Trước dịch Covid-19, rất nhiều du khách Hàn Quốc, Trung Quốc cho biết lý do họ lựa chọn đến Nha Trang là vì sự hấp dẫn của hải sản nơi đây. Hình ảnh du khách Trung Quốc chen chúc chờ thưởng thức món bánh căn dân dã trên đường Tô Hiến Thành là một minh chứng!.

Du lịch Khánh Hòa trong những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ ở phân khúc thị trường quốc tế. Việc xuất hiện nhiều quán ăn món Hàn, món Nhật, món Trung Hoa… để phục vụ khách quốc tế là điều cần thiết, nhưng không phải vì vậy mà xem nhẹ giá trị của ẩm thực Việt nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Nhiều chuyên gia du lịch khuyến cáo, du lịch Khánh Hòa cần khai thác nhiều hơn yếu tố ẩm thực Việt thuần túy trong resort, nhà hàng cao cấp. Đồng thời, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, ngành Du lịch cần đề ra những nhiệm vụ và phương hướng nhằm nâng tầm văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc; tổ chức quy hoạch sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, trong đó quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các nhà hàng trên địa bàn đăng ký “Cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”; các doanh nghiệp xây dựng tour du lịch ẩm thực… “Khánh Hòa nên xây dựng tour du lịch ẩm thực dựa trên những món ăn có tính đặc trưng như: Lẩu mực, bánh xèo, bún cá, gỏi cá mai, nem nướng Ninh Hòa…”, PGS.TS Phạm Trung Lương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng Cục du lịch) gợi ý. Bài ca “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh…” hoàn toàn có thể trở thành gợi ý để xây dựng thành một tour du lịch ẩm thực hấp dẫn du khách gần xa.

Về tầm nhìn xa hơn, ngành Du lịch cần tích cực quảng bá ẩm thực xứ Trầm Hương thông qua các cuộc thi, liên hoan ẩm thực được tổ chức tại Khánh Hòa; đưa các hình ảnh, thông tin, nghệ nhân đi quảng bá ẩm thực xứ Trầm Hương tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Mới đây, Hội Kỷ lục gia Việt Nam công bố xác lập Top 100 món ăn đặc sản của 63 tỉnh, thành, trong đó Khánh Hòa có 2 món ăn được chọn là bún sứa Nha Trang và bún mực Vạn Ninh. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá du lịch ẩm thực của Khánh Hòa. Hy vọng, trong thời gian tới, việc phát huy giá trị ẩm thực địa phương trong hoạt động du lịch sẽ được thực hiện bài bản hơn!.

Nguồn: Báo Khánh Hòa