Kỳ Thú Hang Heo – điểm checkin thú vị mới cho bức tranh du lịch Nha Trang.

Thuộc thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), Hang Heo là một bãi đá tự nhiên có màu sậm, gai góc, xù xì. So với Hòn Chồng đá bằng phẳng, tròn trịa… thì Hang Heo trông kỳ vĩ, huyền ảo và bí ẩn hơn.

 

Từ trung tâm TP. Nha Trang, theo đường Phạm Văn Đồng, đi mãi đến khi xổ xuống hết dốc cuối cùng của con đường này là đến. Đi bộ vào bên trong khoảng 200m, bạn sẽ gặp một bãi đá rất đẹp cong vòng theo bờ biển, dài gần cây số. Bên trái bãi đá là bãi tắm Lương Sơn, bên phải nhìn từ bên ngoài có những khối đá nhọn to sừng sững, kỳ ảo, mê hoặc. Leo vào bên trong “bức tường thành” đá này là Hang Heo.

 

Theo lời kể của người dân địa phương, hơn 20 năm trước, khi chưa có con đường Phạm Văn Đồng, vùng Lương Sơn, Vĩnh Lương là một làng chài nhỏ nằm bên Quốc lộ 1. Thôn Lương Sơn chỉ đến đình Vĩnh Lương là hết. Người ta gọi khu vực bãi đá này là đảo, còn có tên là Đồng Bé, chạy dài từ trên núi xuống biển. Tuy có con đường mòn nhưng hoang vu, ít người lui tới, chỉ có dân đi rẫy. Tên gọi Hang Heo xuất phát từ việc ngư dân vùng Lương Sơn khi đánh cá về, từ ngoài biển nhìn vô thường thấy heo rừng trên núi Cô Tiên xuống đây ngủ. Người ta cho rằng có lẽ ghềnh đá mát mẻ, kín đáo nên là chỗ trú ngụ rất an toàn cho chúng. Cũng phải nói thêm, xưa nay người dân vùng Lương Sơn vẫn quen gọi dãy núi này là Cô Tiên. Họ cho biết, lên trên đỉnh núi sẽ nhìn thấy mặt sau là Đồng Đế Nha Trang. Tuy hình dáng Cô Tiên ở Lương Sơn không giống với Cô Tiên ở Đồng Đế, nhưng nhìn trên bản đồ Google thì Cô Tiên là một quần thể núi chạy dài ra biển từ Đồng Đế đến Lương Sơn.

 

Con đường Phạm Văn Đồng cắt ngang một loạt núi trong hệ thống núi Cô Tiên, Hang Heo được người ta biết đến nhiều. Đây là nơi cất giữ thuyền thúng, lưới của vài ngư dân khi đi biển về; là nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia khi đến Khánh Hòa, bởi cấu tạo của Hang Heo khá hùng vỹ, rất thú vị để săn ảnh đẹp bình minh hay hoàng hôn. Đây còn là nơi được các bạn trẻ chọn chụp hình ngoại cảnh cưới.

Từ Hang Heo nhìn ra đầm Nha Phu, một vài hòn đảo trông giống như hòn non bộ trên biển khơi mênh mông, điểm xuyết vài chiếc thuyền đánh cá, nên thơ và thanh bình. Khi hoàng hôn xuống, nước biển trong xanh, sóng vỗ nhẹ vào đá xào xạc, trẻ con nô đùa dưới nước, bơi lội trong các gộp đá. Nước ở đây rất sạch.

 

Rời Hang Heo đi một vòng bãi đá và bãi tắm, vào buổi chiều mùa hè nhộn nhịp người tắm biển. Khách có thể thong dong dạo chơi trên đá và nhìn về Hang Heo bí ẩn, kỳ vĩ. Những tảng đá ngàn năm tuổi phơi mình đầy vết hằn năm tháng đẹp mê hoặc.

 

Ngày trước, vào xế chiều có những quán bán thức ăn vặt, có món xôi viên chiên rất đặc biệt, chỉ có ở Lương Sơn. Xôi nếp vo tròn, bên trong có thịt băm, trứng cút ăn với mắm ớt tỏi khá hấp dẫn. Hay món đậu hũ chiên giòn chấm với muối chanh ớt cũng rất ngon. Giờ đây không còn những hàng quán ăn vặt nhưng khách có thể đi tiếp đến làng Lương Sơn. Đi sâu vào trong làng qua những con hẻm nhỏ, khách sẽ quan sát được nếp sinh hoạt của dân cư làng chài. Có những món ăn bình dân, mang đậm tính thôn quê, dân dã và tất nhiên giá cũng rất mềm được chế biến từ hải sản như: Bánh canh, bún cá, bánh căn, ốc luộc…  Khách ăn ngon, mua thêm chả cá tươi vừa chế biến xong hay hải sản khô tại các nhà lò. Đặc biệt, có món bánh xèo tôm, mực ngon đúng kiểu nhà quê, nước chấm ngon, rau ngon. Trên con đường khoảng một cây số, tôi đếm có đến hơn mười hàng bánh xèo!

KIM DUY ( Báo Khánh Hòa)