VHO – Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa từ ngày 1.7.2025 không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính mà còn mở ra một cơ hội đặc biệt để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phong phú của đồng bào dân tộc Raglai – một trong những cộng đồng thiểu số đặc sắc nhất Việt Nam.

Người Raglai – cộng đồng lớn trong một tỉnh duy nhất

Theo số liệu thống kê năm 2019, người Raglai có dân số 147.613 người. Trong đó, Ninh Thuận chiếm 70.366 người, Khánh Hòa 55.844 người, còn lại là Bình Thuận và Lâm Đồng. Với việc Ninh Thuận sáp nhập vào Khánh Hòa, cộng đồng Raglai sẽ tập trung phần lớn trong một tỉnh duy nhất, chiếm 86,1% tổng số người Raglai trên cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành một không gian văn hóa dân tộc tập trung, thống nhất, từ đó nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy bản sắc.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 1
Nghệ nhân Chamalek Âu chế tác đàn Chapi

Di sản văn hóa đậm đà và quý giá

Người Raglai là cư dân bản địa lâu đời sinh sống ở vùng núi Nam Trung Bộ, đặc biệt tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn (Ninh Thuận), Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Di sản văn hóa Raglai trải rộng cả hai phương diện vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực, đến kho tàng sử thi, dân ca, lễ hội và hệ thống luật tục.

Đặc biệt, cộng đồng Raglai vẫn lưu giữ được nghệ thuật kể sử thi truyền khẩu, hệ thống nhạc cụ dân gian như đàn Chapi, khèn bầu, mã la (cồng chiêng), và đàn đá Khánh Sơn – được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong âm nhạc và lời ca, người Raglai thể hiện chiều sâu tâm hồn qua những làn điệu ru con, hát giao duyên, những giai điệu mộc mạc nhưng lay động lòng người. Trong đời sống tâm linh, các lễ hội như Mừng lúa mới, Đền ơn đáp nghĩa, lễ cưới, và đặc biệt là lễ Bỏ mả được tổ chức trang nghiêm, mang đậm triết lý nhân sinh và bản sắc cộng đồng. Hai nghi lễ bỏ mả ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn) và Phước Chiến (Ninh Thuận) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 2
Nghệ nhân Mai Thắm chế tác đàn Chap

Một cộng đồng anh hùng, giàu truyền thống cách mạng

Không chỉ gìn giữ văn hóa, người Raglai còn có vai trò đặc biệt trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vùng đất của họ là trung tâm của chiến khu VI, nơi sản sinh nhiều anh hùng lực lượng vũ trang như Pinăng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamalek Châu, Bo Bo Tới… Trong đó, bẫy đá Pinăng Tắc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, đánh dấu sự đóng góp to lớn của cộng đồng Raglai trong sự nghiệp thống nhất đất nước.

Thách thức trước làn sóng hiện đại hóa

Tuy nhiên, giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, văn hóa Raglai đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trước làn sóng đô thị hóa, hội nhập, và giao lưu văn hóa. Nếp sống truyền thống, tiếng nói, phong tục, lễ nghi, nhà sàn… đang dần phai nhạt trong thế hệ trẻ. Nếu không có chiến lược bảo tồn kịp thời và phù hợp, những giá trị văn hóa quý báu có nguy cơ biến mất.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 3Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động các làng nghề truyền thống, gắn với hoạt động du lịch

Phát triển bền vững phải gắn với văn hóa bản địa

Sự kiện sáp nhập Ninh Thuận – Khánh Hòa là cơ hội vàng để tỉnh Khánh Hòa xây dựng chiến lược bài bản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Raglai. Trên cơ sở đó, cần gắn bảo tồn với phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, công nghiệp văn hóa, đảm bảo sinh kế và nâng cao chất lượng sống cho đồng bào.

Khánh Hòa cần cụ thể hóa các chính sách thông qua các chương trình trọng điểm như:

  • Thành lập Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Raglai

  • Xây dựng đội văn nghệ truyền thống, hỗ trợ khôi phục làng nghề, nhà sàn cổ truyền

  • Truyền dạy sử thi, chế tác nhạc cụ cho thế hệ trẻ

  • Xã hội hóa công tác bảo tồn bằng việc thành lập quỹ bảo tồn văn hóa từ cộng đồng và các tổ chức, cá nhân

  • Kết hợp thực hiện Nghị quyết 162/2024/QH15 và Dự án 6 (2025–2035) về phát triển văn hóa dân tộc thiểu số gắn với du lịch

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 4

Văn hóa là gốc rễ của phát triển

Trong bối cảnh hội nhập, không có gì quan trọng hơn việc gìn giữ “cái gốc” của bản sắc. Người Raglai là một cộng đồng có bề dày văn hóa, lịch sử và lòng yêu nước. Bảo tồn văn hóa Raglai không chỉ là giữ gìn quá khứ, mà là cách để kiến tạo tương lai – nơi mỗi giá trị bản địa trở thành nội lực cho phát triển bền vững, cho sự đa dạng, hòa hợp và giàu bản sắc của đất nước.

Nguồn: Báo Văn Hóa