Ước tính mỗi tháng doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Điệp Sơn thu ít nhất từ 3-6 tỉ đồng nhưng chính quyền địa phương chỉ cho thuê với giá hơn 200 triệu đồng/năm
Hai năm qua, du khách đến Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tăng nhanh vì dải cát trắng ẩn hiện dưới làn nước biển nối 3 đảo là Hòn Bịp, Hòn Quạ và Hòn Ó. Thế nhưng thời gian qua, các công ty lữ hành bị làm khó bởi một doanh nghiệp “độc chiếm” điểm du lịch này.
Thoải mái thu tiền
Ngày 19-6-2017, UBND huyện Vạn Ninh đã ban hành quyết định về “Phương án tạm thời phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh”. Theo phương án này, UBND xã Vạn Thạnh ký hợp đồng cho 2 doanh nghiệp thuê đất và mặt nước để kinh doanh dịch vụ du lịch ở 3 đảo (thời hạn 5 năm). Trong đó Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô thuê 29,2 ha (đất và mặt nước) với giá hơn 285 triệu đồng/năm. Công ty CP Sơn Nam thuê 21,1 ha (đất và mặt nước ở Hòn Bịp – thủy đạo đẹp nhất ở Điệp Sơn) với giá hơn 211 triệu đồng/năm.
Doanh nghiệp được thuê đảo làm du lịch ở Điệp Sơn với giá quá hời
Công ty CP Sơn Nam do ông Nguyễn Bá Luân – con trai của một đại gia nổi tiếng trong giới trầm hương ở Vạn Ninh – làm giám đốc. Công ty này đầu tư ở Hòn Bịp – Điệp Sơn 3 nhà hàng, 6 chòi, 1 cầu tàu bằng gỗ và 6 canô vận chuyển với giá 200.000 đồng/người. Ước tính mỗi ngày Điệp Sơn đón khoảng 500-600 khách, còn vào cuối tuần đạt hơn 1.000 khách/ngày. Chỉ tính riêng tiền dịch vụ ca-nô, mỗi ngày doanh nghiệp (DN) này thu từ 100-200 triệu đồng, mỗi tháng 3-6 tỉ đồng. Đã vậy, DN không công khai giá dịch vụ, do đó nảy sinh vấn đề “thích bán giá nào thì bán” như một số công ty lữ hành phản ánh.
Việc UBND xã Vạn Thạnh cho thuê khu vực ở Điệp Sơn, dư luận tỏ ra ngạc nhiên vì giá quá “bèo”. Ví dụ, Công ty CP Sơn Nam thuê 21,1 ha với giá hơn 211 triệu đồng/năm tính ra mỗi tháng hơn 17,5 triệu đồng. “Một con số “bé tẹo” nếu so sánh với doanh thu mỗi ngày mà DN có được” – du khách Trương Hoàng Phương nói.
Vượt quyền cơ quan chức năng
Một lãnh đạo phòng tham mưu UBND huyện Vạn Ninh trong vụ việc này cho rằng vì xác định cho DN thuê trong thời gian ngắn nên huyện không đặt vấn đề đấu giá. Việc xã ký hợp đồng với các DN là vận dụng như cho thuê đất dự phòng 5% (quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích).
Còn ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết huyện đã họp chấn chỉnh, yêu cầu DN niêm yết công khai giá dịch vụ như ca-nô, ăn uống, giải trí, phí tham quan (nếu có)… Về giá thuê đất, ông Phẩm sẽ cho kiểm tra lại và thông tin sau.
Đại diện cơ quan chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, theo luật thì cấp xã không được ký hợp đồng cho thuê đất ngoại trừ đất dự phòng. UBND cấp huyện chỉ có thể cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc thuê đất phải được Sở Tài nguyên và Môi trường có đề xuất về giá trị thuê, Sở Tài chính căn cứ vào đó để thẩm định. Hiện nay, sở chưa thẩm định vấn đề gì liên quan đến Điệp Sơn.
Không quy định nghĩa vụ đóng thuế
Điều lạ hơn trong phương án tạm thời gồm 22 điều nhưng không có điều khoản nào liên quan đến nghĩa vụ thuế của DN. Trong các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ cũng không có Chi cục Thuế huyện Vạn Ninh. Tìm hiểu thực tế, phóng viên ghi nhận tất cả du khách khi sử dụng dịch vụ ca-nô ra Điệp Sơn đều không có cuống vé. Các hướng dẫn tour khi dẫn đoàn khách cũng được DN tự in hóa đơn gồm chi phí ca-nô và ăn uống. Nếu công ty lữ hành muốn có hóa đơn đỏ thì phải bỏ thêm 10% giá trị hóa đơn hiện tại.
Vấn đề trên, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết các hình thức dịch vụ kinh doanh phát sinh doanh thu đều phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Dịch vụ vận tải phải có vé, cuống vé để có căn cứ nộp thuế. Cục Thuế tỉnh sẽ yêu cầu Chi cục Thuế Vạn Ninh kiểm tra, báo cáo sự việc.