Làng nghề Trường Sơn – Điểm đến mới của khách quốc tế khi tham quan thành phố Nha Trang.
Với không gian rộng mở, hội tụ nhiều nghề thủ công truyền thống, Làng nghề Trường Sơn (TP. Nha Trang) đã trở thành điểm giới thiệu ngành nghề, văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị lữ hành đã đưa du khách quốc tế đến tham quan làng nghề, nhất là khách du lịch tàu biển.
Du khách thích thú
Ngày 20-11, tàu du lịch Seven Seas Explorer (quốc tịch quần đảo Marshall) đến Nha Trang trong hành trình du ngoạn ở Việt Nam. Rất nhiều du khách đã lựa chọn tour tham quan thành phố, trong đó có Làng nghề Trường Sơn. Những du khách mang quốc tịch Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha hồn nhiên nhảy sạp cùng nhân viên làng nghề, thích thú cầm búa gõ đàn đá lắng nghe âm thanh của đại ngàn… “Điểm đến này thật thú vị. Ở đây còn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống, điều đang dần biến mất trong đời sống hiện đại bây giờ. Tôi cũng rất thích màn biểu diễn nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, nó thật kỳ diệu…”, ông Peter White (du khách Anh) chia sẻ.
Du khách tàu biển xem nghệ nhân làm tranh cát ở Làng nghề Trường Sơn. |
Thời gian gần đây, các công ty lữ hành chuyên tổ chức tour cho khách du lịch tàu biển thường xuyên đưa khách đến tham quan Làng nghề Trường Sơn, trong đó có khách hạng sang của các tàu biển: Celebrity Solstice, Norwegian Jewel, Spectrum of the Seas… Theo anh Lê Hữu Phúc – hướng dẫn viên chuyên dẫn khách quốc tế, với mô hình vừa trưng bày, sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ, kết hợp với biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Làng nghề Trường Sơn là điểm đến rất phù hợp với du khách quốc tế. Khách đến làng nghề vừa được nhìn các nghệ nhân dệt chiếu, chằm nón, đan lưới…; xem các nghệ nhân làm tranh cát, vẽ thư họa chân dung, thêu tranh, chế tác nhạc cụ truyền thống vừa được hòa mình vào không gian văn hóa Việt, trải nghiệm trò chơi nhảy sạp, xem nặn tò he, thưởng thức màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc với sự hiện diện của đàn tranh, đàn bầu, đàn đá, đàn t’rưng… Nhiều du khách đã chọn mua những tác phẩm gốm điêu khắc mang dấu ấn văn hóa Chăm của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, tranh cát Hồng Châu Sa, chuông gió… để làm quà lưu niệm.
Khách quốc tế tìm hiểu kỹ thuật dệt chiếu cói truyền thống. |
Điểm đến du lịch văn hóa
Không chỉ du khách tàu biển, nhiều khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… cũng tìm đến Làng nghề Trường Sơn để tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt. Có du khách Trung Quốc khi đến làng nghề đã rất thích thú khi nhìn thấy chiếc máy may đạp bằng chân, liền ngồi lên đạp vài đường chỉ. Hỏi chuyện du khách này cho biết, xưa nhà ông làm nghề may nên nhìn chiếc máy may lại nhớ đến nghề cũ, nhớ đến cha mẹ già đã qua đời nhiều năm trước. “Những tháng cuối năm, thời tiết không thuận lợi. Do đó, thay vì đi tour biển đảo, nhiều du khách Hàn Quốc đã chuyển sang các điểm tham quan trong nhà, trong đó Làng nghề Trường Sơn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Nhiều du khách phản hồi, họ rất ấn tượng với các nghề truyền thống của Việt Nam được lưu giữ ở đây. Hiện nay, du khách có xu hướng ưa thích các sản phẩm du lịch văn hóa. Nếu quảng bá tốt, làng nghề sẽ là một điểm đến thu hút rất đông du khách quốc tế trong thời gian tới”, ông Lê Thành Trung – Công ty TNHH Good day Nha Trang Tour bày tỏ.
Du khách Trung Quốc trải nghiệm nghề may. |
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: “Làng nghề Trường Sơn là điểm đến mới nổi trong thời gian gần đây. Làng nghề Trường Sơn cùng với Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng A.Yersin, khu di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng tạo nên một tuyến tham quan rất hấp dẫn cho du khách đến Nha Trang, nhất là du khách quốc tế. Trong các chuyến đi xúc tiến du lịch, Sở Du lịch đã giới thiệu điểm đến này đối với các công ty lữ hành ở các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã tìm hiểu, đặt vấn đề để đưa khách đến tham quan Làng nghề Trường Sơn, tìm hiểu về văn hóa, ngành nghề truyền thống của Khánh Hòa. Tôi tin tưởng rằng, Làng nghề Trường Sơn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai ưa thích văn hóa truyền thống”.
THÀNH NGUYỄN ( Báo Khánh Hòa)