Tuy phát triển nhanh với những con số tăng trưởng khá ấn tượng, du lịch Khánh Hòa vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu bất ổn như: sự mất cân đối của thị trường khách quốc tế, sự phát triển chưa tương xứng giữa cơ sở lưu trú và dịch vụ vui chơi giải trí…
Bài toán nan giải
Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, khách Trung Quốc và khách Nga chiếm hơn 80% tổng lượng khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm hơn 67%. Trong năm 2018, lượng khách Hàn Quốc, Malaysia đến Khánh Hòa tăng nhanh, tuy nhiên số lượng khách từ 2 thị trường này vẫn chỉ là con số rất nhỏ so với khách Trung Quốc. Sự mất cân bằng trong cơ cấu khách quốc tế của du lịch Khánh Hòa vẫn là bài toán nan giải.
Bên cạnh đó, sau một thời gian đua nhau xây khách sạn, du lịch Khánh Hòa đang đối mặt với nguy cơ thừa phòng lưu trú. Hiện tại, toàn tỉnh có 750 cơ sở lưu trú với 39.400 phòng, tăng 10.000 phòng so với năm 2017, trong đó có 111 cơ sở lưu trú 3 – 5 sao với hơn 20.000 phòng. Theo dự báo của Sở Du lịch, năm 2019, Khánh Hòa sẽ có thêm khoảng 10.000 phòng được đưa vào kinh doanh, nâng tổng số phòng lưu trú trên địa bàn lên khoảng 49.000 phòng. Trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, dù lượng khách tăng khá cao nhưng công suất phòng của các khách sạn chỉ đạt 65%, trong đó khách sạn từ 2 sao trở xuống chỉ đạt 45 – 50%. Ông Lê Văn Sơn – Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa) cho biết: “Do lượng phòng dư thừa rất nhiều nên các công ty lữ hành gây sức ép để hạ giá, chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. Năm 2017 và 2018, nhiều khách sạn ký hợp đồng bán phòng nguyên cả năm cho các công ty lữ hành chuyên phục vụ khách Nga, Trung Quốc; tuy nhiên, hiện nay khách sạn nào giỏi lắm cũng chỉ có hợp đồng trước 3 tháng”. Việc các khách sạn hạ giá phòng để giành khách đã khiến dịch vụ không được đảm bảo, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, du lịch Nha Trang – Khánh Hòa còn một số hạn chế như: quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch còn bất cập, chưa đồng bộ. Trong khi số lượng phòng lưu trú tăng nhanh, số cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí lại chưa được đầu tư tương xứng. Sau các khu du lịch như: Vinpearl, Hòn Tằm, Diamond Bay… đến nay Nha Trang – Khánh Hòa chưa có thêm các khu vui chơi giải trí lớn; thiếu các sản phẩm mới có sức hút.
Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Tuy đánh giá cao tiềm năng, sự phát triển của du lịch Khánh Hòa, nhưng hầu hết các chuyên gia, nhà đầu tư du lịch đều đề nghị Khánh Hòa cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng để có thể thu hút du khách, trong đó cần khai thác yếu tố văn hóa bản địa, gắn kết cộng đồng để làm du lịch.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa cần phải thực hiện 3 giải pháp lớn, đó là: tập trung nâng cao năng lực quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng dịch vụ; tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, liên kết doanh nghiệp để từ đó tạo ra hệ sinh thái du lịch, tạo môi trường du lịch hấp dẫn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đặc biệt là đội ngũ làm nghề phổ thông. Chỉ có liên kết mới hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách; tạo ra hệ sinh thái du lịch mới có nhiều điểm đến tốt, nhiều khách sạn tốt, nhiều điểm mua sắm tốt, góp phần giúp du lịch Khánh Hòa có thương hiệu đủ mạnh để thu hút du khách, cũng như để khách quay trở lại nhiều hơn. Đồng thời, ông cũng lưu ý Khánh Hòa cần hướng đến các thị trường khách xa hơn như: Tây Âu, Bắc Mỹ… để đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, tránh phụ thuộc quá sâu vào thị trường khách Trung, Nga. Muốn vậy, Khánh Hòa phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có chiến lược tiếp thị khôn ngoan, quản lý điểm đến một cách thông minh để tránh sự xung đột giữa các nhóm khách khác nhau.
THÀNH NGUYỄN ( Nguồn www.baokhanhhoa.vn )